Bộ phận Creator Growth tại AnyMind Group chịu trách nhiệm hỗ trợ người ảnh hưởng và các nhà sáng tạo nội dung phát triển thông qua nền tảng AnyCreator. Cụ thể, Creator Growth thông qua nền tảng AnyCreator sẽ cung cấp các giải pháp phân tích, tối ưu và phát triển kênh cũng như kết nối các nhà sáng tạo nội dung với nhãn hàng phù hợp. Bộ phân Creator Growth được chia thành hai nhóm nhỏ là Creator Engagement và Creator Development. Nhóm Creator Engagement phụ trách tìm kiếm và mời những kênh phù hợp gia nhập mạng lưới. Tiếp theo đó, nhóm Creator Development sẽ tư vấn chiến lược, nội dung cũng như hỗ trợ người ảnh hưởng phát triển kênh. Sau đây hãy cùng tìm hiểu 1 ngày làm việc của Creator Development Executive tại AnyMind Group nhé!
- 9:00 – 10:00: Bắt đầu ngày mới
- 10:00 – 13:00: Hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung (creator)
- 13:00 – 14:00: Nghỉ trưa
- 14:00 – 16:00: Giữ mối quan hệ với creator
- 16:00 – 17:00: Hỗ trợ công việc của các nhóm khác trong bộ phận
- 17:00 – 18:00: Làm việc với YouTube và TikTok
- 18:00 – 19:00: Làm nội dung cho kênh YouTube và Fanpage AnyCreator Việt Nam
9:00 – 10:00: Bắt đầu ngày mới
Công việc của mình thường bắt đầu từ 9:00 sáng. Thông thường My sẽ đến công ty vào giờ này, ăn sáng và lên kế hoạch những công việc cần hoàn thành trong ngày. My sẽ sắp xếp mức độ ưu tiên dựa trên deadline, những công việc gấp sẽ được đẩy lên để hoàn thành trước.
10:00 – 13:00: Hỗ trợ creator
Một ngày của My thì khá là linh hoạt nhưng công việc chính vẫn là hỗ trợ influencer và creator. Khi creator có câu hỏi hay gặp khó khăn thì việc đầu tiên My làm sẽ làm là xem xét, đánh giá vấn đề và sau đó đưa cho nhóm phụ trách giải quyết. Để cho dễ hiểu thì có thể coi My là cầu nối giữa khách hàng và Creator Growth. Nghe thì có vẻ đơn giản là khi influencer và creator có câu hỏi thì mới trả lời nhưng số lượng creator và influencer bên My hiện nay cũng lên tới hàng trăm người rồi, riêng My phụ trách khoảng 50 creator và mỗi ngày đặc biệt là mùa dịch họ có rất nhiều câu hỏi cần đến sự trợ giúp của mình.
Creator Growth sẽ hỗ trợ họ những vấn đề về kỹ thuật, video, cũng như kiếm tiền trên YouTube và TikTok. Bên My sẽ cung cấp kho nhạc cũng như đưa ra những phân tích chuyên sâu về kênh để đánh giá tình hình hiện tại của kênh và đưa ra đề xuất phù hợp. Bài phân tích cho mỗi creator sẽ khác nhau tùy thuộc vào mục đích của creator là mong muốn tăng lượt xem hay tăng lượt đăng ký kênh, v.v. Cuối mỗi tháng bên My cũng sẽ gửi ra 1 báo cáo chi tiết hiệu suất kênh cho creator.
My luôn cố gắng quản lý thời gian thật tốt để hoàn thành công việc bằng cách tổng hợp những yêu cầu từ creator rồi gửi cho cả nhóm để cùng giải quyết. Bên My sẽ có họp đầu tuần để mọi người cùng thảo luận với nhau về các vấn đề mà các creator này đang gặp phải. Khi creator cần giải quyết 1 vấn đề nào đó thì mình sẽ đặt ra 1 deadline, vừa là deadline cho họ và cũng là deadline cho mình luôn. Cái chính là các bên phải trao đổi rõ ràng để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Đối với công việc này thì nhiều khi cũng sẽ xảy ra xung đột giữa các bên do không hiểu nhau. Trong trường hợp này là một người đứng giữa My sẽ cố gắng hiểu nhu cầu của các bên và cố gắng chung hoà vấn đề. Mình sẽ giúp các bên giữ bình tĩnh, giải thích và cùng với mọi người trong nhóm tìm ra cách giải quyết nhanh nhất.
13:00 – 14:00: Nghỉ trưa
Thông thường các sếp sẽ vừa ăn và vừa bàn công việc với nhau còn 2 nhóm Creator Development và Creator Engagement sẽ ăn với nhau. Nhưng thi thoảng để thay đổi không khí thì cả phòng vẫn đi ăn chung với nhau. Thông thường hàng tháng Creator Growth sẽ đi ăn team bonding ở Takashimaya hay Gogi chẳng hạn. Ngoài ra nếu team có sự kiện lớn thì cả phòng cũng đặt đồ ăn về cùng ăn. Tuy nhiên hiện tại vì dịch Covid 19 nên cả nhóm không thể gặp nhau. Do vậy team My hàng tháng vẫn tổ chức các buổi bonding trực tuyến để trò chuyện.
14:00 – 16:00: Giữ mối quan hệ với creator
Sau khi ăn trưa My sẽ xử lý đến những kênh mà creator không có câu hỏi. Đối với những creator không chủ động hỏi thì nhiệm vụ của mình là phải chủ động kiểm tra kênh của họ hiện tại hoạt động như thế nào và xem có vấn đề gì không. Kể cả khi kênh của họ không có vấn đề gì thì My và cả nhóm cũng sẽ tìm cách giúp kênh phát triển hơn. My sẽ luôn chủ động giữ mối quan hệ với creator để họ luôn cảm thấy mình được quan tâm và hài lòng với dịch vụ mà Creator Growth mang lại.
Công việc của My nói chung cần hợp tác rất nhiều với các bạn trong Creator Growth để cùng nhau đưa ra những định hướng tốt nhất cho creator. Ví dụ như My sẽ phải làm việc với bạn phụ trách về phân tích dữ liệu để có cái nhìn tổng quan về tình hình kênh hiện tại hay hợp tác với bạn chuyên về tối ưu (optimization) để đưa ra các đề xuất giúp creator phát triển kênh.
16:00 – 17:00: Hỗ trợ công việc của các nhóm khác trong bộ phận
Ngoài ra My cũng sẽ hỗ trợ các bộ phận khác trong Creator Growth. Ví dụ như nhóm Creator Engagement có đối tác muốn gia nhập mạng lưới thì thì My cũng sẽ là người đưa ra những hỗ trợ và định hướng.
Hiện tại do tình hình dịch bệnh nên các doanh nghiệp phải làm việc tại nhà nhưng điều này cũng không ảnh hưởng lớn đến quy trình làm việc cả bộ phận. Creator Growth vẫn thường xuyên họp trực tuyến để cập nhật tình hình của nhau. Ngoài ra, Creator Growth vốn đã có một quy trình làm việc khá rõ ràng nên cả nhóm vẫn có thể làm việc suôn sẻ dù không thể gặp mặt trực tiếp. Ví dụ, nhóm Creator Engagement đã có những quy trình và tiêu chí nhất định để mời kênh vào mạng lưới nên chỉ có những trường hợp quá khó mới cần bên Creator Development tư vấn. Ngoài ra 2 bên cũng sẽ hợp tác trong trường hợp cần mời 1 kênh lớn để gia nhập mạng lưới.</p>
17:00 – 18:00: Làm việc với YouTube và TikTok
1 công việc khác nữa mà vị trí Partnership của My đảm nhận là làm việc trực tiếp với đại diện bên YouTube và TikTok. My sẽ có 1 số cuộc họp với bên vùng để nghe họ phổ biến về chính sách, những cập nhật mới hoặc là làm việc qua email để xử lý các vấn đề của creator.
Về cơ bản, khi làm việc với YouTube và TikTok thì không có quá nhiều khó khăn vì họ có những chính sách khá tốt để hỗ trợ các thị trường. Chỉ có khó khăn duy nhất là đến từ rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, có thể bạn phụ trách thị trường đó có thể không phải người Việt Nam mà là người Thái chả hạn nên nhiều khi họ không hiểu hết được nội dung của video và cho rằng video vi phạm chính sách. Những lúc như vậy mình sẽ phải giải thích với họ là video của creator phù hợp với văn hoá Việt Nam để họ gỡ bỏ vi phạm.
18:00 – 19:00: Cập nhật thông tin về chính sách và xu hướng mới
Một công việc khác nữa của My là cập nhật thông tin về chính sách và xu hướng mới cho creator. Về nội dung thì My sẽ tìm những case study thành công của creator cả trong và ngoài mạng lưới, cũng như cập nhật những cái xu hướng và chính sách mới.
Đối với các thông tin liên quan đến chính sách và cập nhật mới, My sẽ tìm từ những nguồn uy tín của Google. Ví dụ như Support Google có hướng dẫn rất cụ thể và cập nhật những xu hướng mới. YouTube cũng sẽ có những website riêng như YouTube Music cho Music Creator hoặc Blog YouTube Official hay YouTube Culture and Trends, Youtube Creators. Ngoài ra My cũng muốn chia sẻ một cách cập nhật thông tin rất nhanh đó là theo dõi trang chủ của YouTube trên Twitter. Các bạn có thể tìm thấy tất cả thông tin từ nhỏ nhặt như cách chỉnh lỗi comment, lỗi like đến những thông báo lớn như ra mắt YouTube Shorts. Đối với case study thì My cũng sẽ tìm hiểu những website uy tín chuyên về công nghệ và digital như Genk, Tinh Tế, v.v.
Nhìn chung với công việc này chỉ cần các bạn thực sự yêu thích và có đam mê với sáng tạo, chia sẻ nội dung thì đều có thể làm được. Các bạn cần thích sáng tạo và chăm xem những nội dung sáng tạo trên YouTube. Ngoài ra cũng nên tập cho mình tư duy phản biện, ví dụ nếu xem 1 video không hay thì hãy suy nghĩ cách để làm video đó hay hơn. Từ những chi tiết nhỏ như vậy thôi và cùng với đam mê là các bạn có thể làm công việc này rồi, không nhất thiết phải có những kỹ năng to tát gì cả.